Lượt xem: 257

Tết Dương lịch phía ngàn khơi Tổ quốc

Bao nhiêu cán bộ chiến sĩ ngoài 21 đảo, điểm đảo/3 điểm đóng quân và 15 nhà giàn DK1 là ngần ấy trái tim thổn thức nhớ về đất liền. Giữa bộn bề sóng nước, ngày cuối cùng của năm cũ, nỗi nhớ đất liền canh cánh trong lòng. Tuy nhiên, các anh vẫn vững vàng tay súng canh biển trời đất mẹ cho Nhân dân cả nước trọn niềm vui ngày đầu năm mới.

    Nỗi nhớ từ “pháo đài” Cô Lin

    Với những cán bộ chiến sĩ ở 21 đảo, điểm đảo /33 điểm đóng quân ngoài quần đảo Trường Sa, ngoài luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của Đảng, Quân đội, Nhân dân giao phó, thì có một điều luôn đau đáu trong tim họ là nỗi nhớ đất liền.


Bên cột mốc chủ quyền. Ảnh Mai Thắng

    Mặc dù đã nhiều năm gắn bó cùng đồng đội ở đảo Cô Lin, song đất liền, hương cà, bếp lửa quê nhà luôn đau đáu trong tim Thượng úy Chính trị viên Ngô Văn Bun. Những ngày cuối cùng của năm cũ, bố, mẹ, quê hương đọng sâu trong tâm trí anh.  Anh bảo: “Ngày cuối cùng của năm cũ, xa quê hương, ai cũng có tâm trạng nhớ nhà nhưng vì nhiệm vụ phải gác lại tất cả. Biến nỗi nhớ thành sức mạnh nội sinh, thêm vững chắc tay súng canh trời giữ biển đảo yên bình để Nhân dân cả nước trọn vẹn niềm vui ngày đầu năm mới là vui rồi”.

    Lần đầu tiên xa quê hương Yên Thành, Nghệ An đón Tết Dương lịch ở “chân trời Tổ quốc”, chiến sĩ trẻ Nguyễn Nhật Thuận chia sẻ nỗi nhớ đất liền luôn khắc khoải trong trái tim anh. Nhưng chính những phút giây ấy là một “bước ngoặt” thử thách bản lĩnh người lính trẻ: “Lần đầu tiên tôi đón tết xa bố mẹ, gia đình, tôi rất nhớ nhà. Nhưng cũng rất tự hào vì cùng đồng đội canh gác, bảo vệ Tổ quốc để Nhân dân có những ngày đầu năm mới bình yên. Ở đảo chìm còn nhiều vất vả gian lao, nhưng nếu không có những người như chúng tôi thì ai là người giữ đảo, để Tổ quốc yên bình cho Nhân dân đón tết, thì dù vất vả, thậm chí hi sinh đến tính mạng thì đó cũng là sứ mệnh, là kiêu hãnh”.

    Thêm một năm đón Tết Dương lịch giữa biển trời Tổ quốc, Thượng úy Quân nhân chuyên nghiệp Trần Quang Nhật gắn bó với đảo Cô Lin cùng đồng đội đã 3 năm. Và đó cũng là khoảng thời gian anh rèn luyện cho mình bản lĩnh gan dạ, kiên cường của người lính biển. Tôi hỏi: Anh có nhớ nhà khi Xuân về Tết đến? Nhật nhìn tôi rồi nhì xa xăm về hướng đảo Gạc Ma - nơi mà 64 đồng đội của anh đã hy sinh anh dũng và vĩnh viễn nằm lại biển sâu. “Nỗi nhớ đất liền thì thấm vào đâu so với sự hy sinh thầm lặng của 64 liệt sĩ ở đảo Gạc Ma 32 năm về trước. Các anh đã ngã xuống cho Trường Sa mãi trường tồn bất tử. Thế hệ chúng tôi phải có trách nhiệm bảo vệ chủ quyền thiêng liêng. Lời thề giữ đảo các anh để lại, cán bộ, chiến sĩ Trường Sa nói chung và đảo Cô Lin nói riêng đã, đang và mãi thực hiện. Đó là sứ mệnh. Trường Sa là lãnh thổ Việt Nam mãi mãi không thể tách rời” - Quang Nhật chia sẻ.


Tuần tra triền đảo. Ảnh Mai Thắng

    Mùa xuân 32 năm trước, 64 cán bộ, chiến sĩ Vùng 4 Hải quân nhân dân Việt Nam đã anh dũng hy sinh trong nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền ở đảo đá Gạc Ma, Cô Lin, Len Đao. Sau 32 năm, Cô Lin, Len Đao, Sinh Tồn vẫn sừng sững hiên ngang như một bằng chứng lịch sử. Các đảo chìm Cô Lin, Len Đao mãi là pháo đài thép canh biển bất khả xâm phạm mang hồn Tổ quốc giữa ngàn khơi. Trên pháo đài ấy là Thượng úy Chính trị viên Ngô Văn Bun, là chiến sĩ Nguyễn Nhật Thuận, là Thượng úy Quân nhân chuyên nghiệp Trần Quang Nhật và những người lính  Hải quân Việt Nam khác. Các anh đang thầm lặng hy sinh tuổi xanh của mình cho Tổ quốc vào xuân. Đó là sự hy sinh vì dân tộc, vì một Trường Sa trường tồn mãi mãi.

    Tổ quốc cần, tôi sẵn sàng hy sinh

    Vững tay súng canh trời giữ biển trước thềm năm mới, Thiếu úy Chính trị viên nhà giàn DK1/7 Nguyễn Hùng Cường “tâm tư” trên zalo: “Trưa nay ngủ dậy tôi nghe tiếng chuông điện thoại của phòng bên cạnh reo. Bỗng nghe tiếng của một bé trai chừng bốn tuổi hỏi, “Bố ơi, tuần này sao bố chưa về”?. Lòng tôi bỗng dưng thắt lại. Vì theo quán tính của đứa trẻ, ngày nào cũng thấy bố đi làm về mỗi buổi chiều, còn tuần này thì không. Đứa trẻ không biết bố nó đã đi công tác xa nhà cả 8 tháng nay, mà thực ra nó không biết đi công tác là đi đâu”.

    Những người lính nhà giàn DK1 thường phải đi công tác xa đất liền và xa gia đình hơn 200 hải lý, đối mặt với bao bão tố cuồng phong và cơn bão lòng. Cảm xúc lại ùa về vào những buổi chiều và những ngày cuối của năm cũ. Thèm lắm bữa cơm đoàn viên. Quay lại câu chuyên của đứa bé khi nghe điện thoại của con, người bố là một nhân viên của tôi. Thấy bỗng dưng anh trầm lại, giọng nghẹn ngào hơn và nói với con “tuần này bố vẫn chưa về được con nhé!” Nói dối con trai mà mắt anh cay cay. Hình như anh đang khóc.


Sừng sững đảo chìm. Ảnh Mai Thắng

 

    Ai cũng vậy, cũng là con người có cảm xúc, nhưng vì nhiệm vụ cao cả thiêng liêng của Tổ quốc, họ sẵn sàng hy sinh tình cảm cá nhân để cống hiến. Ai bảo những người lính không biết khóc?

    Dòng cuối zalo, Cường viết: “Lính DK là vậy. Tôi cũng thế, vì Tổ quốc tôi sẵn sàng hy sinh”.

    Trang lịch cuối cùng của năm 2020 đã bóc đi, năm 2021 đã mở ra cùng đất trời vạn vật. Trong khi ở đất liền dòng người đang hối hả chào năm mới, thì giữa ngàn khơi Tổ quốc, những người lính Trường Sa, DK1 đang từng phút, từng giây không ngơi tay súng. Họ đang thầm lặng hy sinh hạnh phúc riêng tư và cống hiến tuổi thanh xuân của mình cho Tổ quốc.

Mai Thắng



Phim tư liệu
  • Phát biểu của đồng chí Lâm Tấn Hòa
  • Ngày hội văn hóa thể thao du lịch đông bào Khmer Nam bộ và Lễ hội Óoc-Om-Bóc Đua ghe Ngo 2022
  • Cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch lần thứ Hai - năm 2022
1 2 3 4 5  ... 


No title... No title... No title...
Thống kê truy cập
  • Đang online: 52
  • Hôm nay: 7973
  • Trong tuần: 78,680
  • Tất cả: 11,802,000